Nâng cao năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động thẩm định giá

Ngày 21/11/2016, tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội nghị thường niên Giám đốc các doanh nghiệp Thẩm định giá lần thứ nhất với sự chủ trì của Thứ trưởng Trần Văn Hiếu. Đồng chủ trì Hội nghị có ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá, ông Nguyễn Tiến Thỏa- Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Thẩm định giá Việt Nam. Tham dự Hội nghị còn có đại diện một số đơn vị có liên quan thuộc Bộ Tài chính và gần 200 Giám đốc doanh nghiệp Thẩm định giá trên toàn quốc.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu phát biểu tại Hội nghị
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu phát biểu tại Hội nghị

Theo báo cáo đánh giá kết quả hoạt động Thẩm định giá giai đoạn 2013-2016, kể từ khi Luật giá ra đời, số lượng doanh nghiệp thẩm định giá tăng nhanh qua từng năm, cụ thể: đầu năm 2013 có 109 doanh nghiệp, đầu năm 2014 có 142 doanh nghiệp và đến năm 2015 là 168 doanh nghiệp. Đến nay, số lượng doanh nghiệp đã lên đến 219 doanh nghiệp đã được cấp Giấy Chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá. Về số lượng thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề cũng liên tục tăng qua các năm: năm 2014 có 712 thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề và đến hết tháng 10/2016, con số này đã đạt khoảng 1000 thẩm định viên về giá hành nghề trong cả nước. Còn theo số liệu tổng hợp từ các doanh nghiệp, số lượng chứng thư thẩm định giá được phát hành hằng năm ước khoảng trên 70.000 chứng thư, trong đó số lượng chứng thư thẩm định giá phát hành đối với các tài sản sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước trong năm 2015 chiếm trên 53%. Các kết quả thẩm định giá đã giúp giảm dự toán chi từ ngân sách nhà nước để dành mua sắm tài sản nhà nước ước khoảng 10-15% so với dự toán ban đầu….

Hoạt động của các doanh nghiệp thẩm định giá đã góp phần tích cực vào việc xác định giá trị đất đai, tài sản làm căn cứ để cơ quan có thẩm quyền phê duyệt các dự án đầu tư, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và dự toán cấp phát kinh phí mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước, phục vụ cho các ngân hàng thương mại cho vay có tài sản thế chấp và các giao dịch dân sự về tài sản.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Trần Văn Hiếu đánh giá ngành Thẩm định giá đã trở thành một hoạt động dịch vụ tư vấn mang tính chuyên nghiệp, bước đầu thể hiện được vai trò trung gian xác định giá trị tài sản một cách khách quan, làm cơ sở để các giao dịch về tài sản thực hiện thành công, bảo đảm được lợi ích các bên tham gia giao dịch. Bên cạnh đó, sự tham gia vào hoạt động thẩm định giá tài sản của các doanh nghiệp thẩm định giá và thẩm định viên đã góp phần tiết kiệm chi tiêu trong đầu tư mua sắm tài sản; chống lãng phí, thất thoát, tiêu cực trong quản lý, sử dụng đất đai và các nguồn tài nguyên cũng như trong hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần làm minh bạch hóa thị trường.

Thứ trưởng nhấn mạnh, thẩm định giá là một nghề quan trọng trong nền kinh tế thị trường, đòi hỏi đạo đức nghề nghiệp rất cao, các doanh nghiệp thẩm định giá và thẩm định viên cần phải không ngừng nâng cao chất lượng chuyên môn và giữ vững phẩm chất đạo đức nghề nghiệp để đảm bảo kết quả thẩm định hoàn toàn khách quan, trung thực và chính xác. Cần tích cực hơn nữa trong việc tham gia ý kiến với cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về thẩm định giá và Hệ thống tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam. Ngoài ra, cũng cần năng động và sáng tạo trong xây dựng, giữ vững thương hiệu qua đó khẳng định uy tín của mình trên thị trường, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng cạnh tranh không lành mạnh.

Thứ trưởng Trần Văn Hiếu cho rằng Hội thẩm định giá Việt Nam, cần tiếp tục nâng cao vai trò của Hội, trở thành cầu nối giữa doanh nghiệp thẩm định giá và cơ quan quản lý nhà nước; tham mưu, góp ý với cơ quan quản lý nhà nước xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách về giá và thẩm định giá; giới thiệu các thẩm định viên có phẩm chất đạo đức, có năng lực chuyên môn tham gia vào việc kiểm tra, đánh giá xếp loại.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước về thẩm định giá, Thứ trưởng Trần Văn Hiếu yêu cầu Cục Quản lý giá cần siết chặt công tác cấp thẻ thẩm định viên, cấp phép hành nghề nhằm nâng cao hơn nữa năng lực và đội ngũ thẩm định viên; Tăng cường kiểm tra, đánh giá xếp loại doanh nghiệp thẩm định giá hằng năm và xử lý nghiêm những sai phạm, thậm chí, tước thẻ thẩm định viên về giá, tạm dừng việc cung cấp dịch vụ thẩm định giá, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá đối với những doanh nghiệp có hành vi vi phạm nghiêm trọng. Kết quả kiểm tra đánh giá phải được đăng tải công khai trên website để khách hàng có thể qua đó lựa chọn được các doanh nghiệp uy tín cung cấp dịch vụ cho mình. Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về thẩm định giá, cũng như sớm xây dựng cơ sở dữ liệu về giá để có thể vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá vào năm 2017.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Anh Tuấn tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Trần Văn Hiếu và cho rằng Hội thẩm định giá Việt Nam cần sớm ban hành tiêu chí đánh giá hoạt động của doanh nghiệp thẩm định giá vì điều này không chỉ giúp công tác kiểm soát chất lượng tốt hơn mà còn giúp doanh nghiệp giữ vững được uy tín của mình, đông thời cho biết cơ sở dữ liệu quốc gia về giá hiện cũng đã triển khai ứng dụng và dự kiến năm 2017 sẽ được triển khai ở 20 tỉnh, thành phố và 10 doanh nghiệp thẩm định giá.

Nguồn: Cổng thông tin Điện tử Bộ Tài Chính

0928111666
challenges-icon chat-active-icon
chat-active-icon